Với sự chuyển hướng linh hoạt của chiến lược phòng chống dịch, các doanh nghiệp FAST500 (Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam) khá lạc quan về triển vọng phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khôi phục và tăng tốc trong năm 2022.
Triển vọng tăng trưởng sáng
Với sự chuyển hướng chiến lược sang “sống chung an toàn với dịch”, kết thúc năm 2021, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 2,58%. Riêng trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Như vậy chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Với độ bao phủ vắc xin đứng trong TOP cao nhất thế giới, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp FAST500, hầu hết đều cho rằng triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 là khá tích cực. Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Vietnam Report mới đây cho thấy, có 83,3% doanh nghiệp đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 tại thị trường trong nước. Do vậy, khi được hỏi về kế hoạch dự kiến trong năm nay, có đến 89,2% doanh nghiệp cho biết, sẽ mở rộng kinh doanh; 10,8% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.Dưới góc độ vĩ mô, tin tích cực là dự báo kinh tế thế giới năm 2022 vẫn tiếp tục đà phục hồi, tuy nhiên tốc độ sẽ giảm đi phần nào, do một số quốc gia sẽ thu hẹp dần các chính sách hỗ trợ và mức độ nới lỏng tiền tệ. Tại Việt Nam, dưới tác động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6 - 6,5% năm 2022. Đây là mức tăng không quá cao nhưng cũng có thể coi là một điểm khởi đầu tốt, tạo đà cho bước tiến tiếp theo của kinh tế Việt Nam. Chương trình có thời gian đủ dài (2022 – 2023), quy mô đủ lớn và diện hỗ trợ đủ rộng (phòng chống dịch và nâng cao năng lực y tế; hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển hạ tầng). Chương trình tính đến cả cải cách thể chế, những rủi ro có thể phát sinh (tăng thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát, nguy cơ dòng tiền lệch hướng,…), nhằm thực thi được thật sự hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Cùng với đó, 86,5% số doanh nghiệp khẳng định họ nắm giữ đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao. 67,6% số doanh nghiệp tự tin với lợi thế cạnh tranh của mình khi có mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng và có sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh. Và cùng nhận được sự lựa chọn của 62,2% số doanh nghiệp, Xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và toàn diện và Tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng, nắm bắt được xu hướng thị trường cũng được coi là hai cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm nay.Bên cạnh những khó khăn có thể phải đối mặt, các doanh nghiệp vẫn nhận thấy những cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng trong năm 2022. Theo đánh giá của 86,5% số doanh nghiệp FAST500, Xu hướng sống chung với đại dịch đưa nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”. Điều này đồng nghĩa với nền kinh tế được mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần được khôi phục như thời điểm trước đại dịch.
Top 6 chiến lược kinh doanh trong năm 2022
Nhìn chung, các doanh nghiệp FAST500 nhận định rằng sẽ tập trung vào 6 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, đó là: Tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự (91,9%); Xúc tiến bán hàng (83,8%); Ứng dụng chuyển đổi số trong SXKD (67,6%); Đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên (56,8%); Tăng cường hệ thống quản trị rủi ro (48,6%); Tăng cường hợp tác đầu tư (37,8%).
Tăng cường hệ thống quản trị rủi ro vẫn là chiến lược được các doanh nghiệp FAST500 thực hiện trong năm nay nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu như thời điểm cách đây một năm. Thay vào đó, tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự là chiến lược đầu tiên mà các doanh nghiệp chú trọng thực hiện theo lựa chọn của 91,9% số doanh nghiệp. Một điểm nổi bật trong Top chiến lược ưu tiên năm nay là việc ứng dụng chuyển đổi số đã vươn lên vị trí thứ ba trong top chiến lược năm nay của doanh nghiệp.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Ngoài việc tối đa hóa các nguồn lực trong quá trình vận hành doanh nghiệp, tự động hóa còn cho phép nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào nhưng lại gia tăng sản lượng đầu ra, từ đó, giá thành sản phẩm ngày càng giảm và sức cạnh tranh ngày càng gia tăng. Chuyển đổi số cũng tạo ảnh hưởng không nhỏ tới sự thay đổi về văn hóa của các tổ chức, đòi hỏi một bộ máy hoạt động nhanh nhẹn, chủ động tìm kiếm những cái mới, sẵn sàng thử nghiệm các sáng kiến có tiềm năng, thoải mái hơn trong việc chấp nhận sự thất bại và coi sự thất bại đó như một phần của quá trình làm hệ thống trở nên thông minh hơn. Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới với tốc độ ngày càng cao, “mở toang” các cánh cửa để các quốc gia đẩy mạnh cuộc đua gia tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.Công nghệ kỹ thuật số đang được tích hợp ngày càng nhiều vào trong tất cả các lĩnh vực và hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình tổ chức hoạt động, phương thức tiếp cận thị trường, cung cấp giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng sự hài lòng từ phía khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu lớn (big data) để hiểu rõ hơn thói quen tiêu dùng, khám phá các nhu cầu tiềm ẩn và từ đó cung ứng đa dạng các loại hình sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu mua sắm.
Dự báo 6 ngành tiềm năng tăng trưởng tích cực
Công nghệ thông tin/Viễn thông từ nhiều năm nay luôn là ngành có dư địa tăng trưởng rất lớn, nhất là khi việc ứng dụng chuyển đổi số ngày càng được triển khai sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và được 67,6% số doanh nghiệp lựa chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng nhất trong khoảng ba năm tiếp theo. Tiếp sau đó, với việc nền kinh tế được mở cửa trở lại, 59,5% số doanh nghiệp đánh giá ngành Vận tải/Logistics mang những tín hiệu tích cực về một bức tranh tươi sáng trong tương lai gần, khi đây vẫn là lĩnh vực đang thu hút đầu tư mạnh tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội nhờ các ngành công nghiệp phụ trợ, các chính sách đầu tư của Nhà nước vào các vùng kinh tế trọng điểm và các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Doanh nghiệp FAST500 mong chờ điều gì từ Chính phủ?
Vị trí thứ ba nhận được 45,9% số doanh nghiệp lựa chọn là ngành Dược phẩm/Y tế. Có thể thấy rất rõ hiện nay nhu cầu của người dân về dược phẩm và các thiết bị y tế dùng cho gia đình đang tăng mạnh khi số ca nhiễm mới không ngừng lập đỉnh, đặc biệt là tại Hà Nội. Mặt khác, nhìn trong dài hạn, cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe và những biến cố về ô nhiễm môi trường, thiên tai và dịch bệnh, dẫn đến mức chi tiêu cho y tế cũng gia tăng. Hưởng lợi từ đầu tư công, ngành Bất động sản/Xây dựng sau một khoảng thời gian rơi vào khoảng lặng tạm thời do khó khăn chung của nền kinh tế thì đã bắt đầu trở lại đầy hi vọng theo đánh giá của 45,7% số doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp FAST500 mong muốn trong năm nay Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (75,7%); Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (70,3%); Tăng cường các gói hỗ trợ (67,6%); Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (51,4%) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, FAST500 mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2022 là Cải thiện môi trường pháp lý (48,6%) và Cải thiện cơ sở hạ tầng (45,9%), từ đó xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng bền vững.
Như vậy trong năm nay, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 mong muốn Chính phủ ưu tiên thực hiện những công việc sau:
Thứ nhất, phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo được hiệu quả của những chương trình nằm trong gói hỗ trợ mà không tạo ra những tác dụng phụ (như lạm phát, bong bóng tài sản…) ngoài mong muốn.
Thứ hai, tập trung chú trọng cải tiến hiệu quả, tính kịp thời trong khâu thực thi của các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tránh xảy ra tình trạng kịch bản hay nhưng thực thi lại không hiệu quả. Cụ thể: Mở cửa nền kinh tế linh hoạt, an toàn; Phục hồi doanh nghiệp theo các gói hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, phục hồi thị trường lao động, tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thúc đẩy số, chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở; trong đó giải ngân đầu tư công phải nhanh và hiệu quả hơn; cuối cùng là Cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa về thủ tục hành chính, để qua đó là cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Thứ ba, cần phải lồng ghép và gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình phục hồi với Chương trình phòng chống dịch. Có thể nói, đây là 2 vế của một phương trình, là điều kiện cần và đủ để Việt Nam hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Thứ tư, chú trọng triển khai đồng thời những nhiệm vụ, giải pháp đã được ban hành trong các chương trình, kế hoạch trước đây như chương trình chuyển đổi số, chiến lược tăng trưởng xanh, chương trình nông thôn mới, chống biến đổi khí hậu …bên cạnh những chương trình khác đã và đang được xúc tiến thời gian qua.
Đồng thời, đây cũng là thời điểm vàng để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đặc biệt chú trọng phát triển những mô hình kinh tế, kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, cần thúc đẩy mô hình kinh tế tương lai hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số. Các doanh nghiệp của Việt Nam muốn phát triển bền vững phải gắn với chủ trương phát triển xanh. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế cũng như các mục tiêu, chiến lược quốc gia có liên quan theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những cú sốc từ bên ngoài. Đây cũng là cơ hội để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch; giảm phát thải khí; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những keyword doanh nghiệp cần quan tâm nhất để tạo sự phát triển là: "Cơ hội", "Lợi thế", "Kết nối", "Sáng tạo", "Quản trị rủi ro". Nền tảng quản trị chiến lược của doanh nghiệp là văn hóa và công nghệ. Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ là chất lượng sản phẩm, lợi nhuận, thị phần, mà còn quyện chặt với tầm nhìn, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm “xanh” trong bản thân mình, trong tương tác với thế giới.
Bảng xếp hạng FAST500 ra đời năm 2011 với sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất cùng với hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt và ổn định – “những ngôi sao đang lên” của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2022, Bảng xếp hạng tiếp tục quảng bá những tên tuổi nổi bật trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là khi kinh tế còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do đại dịch COVID-19.
Nguồn: Bảng xếp hạng FAST500 năm 2022, Vietnam Report
Vietnam Report