Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021

15/10/2021

Chuyên mục:

Ngày 15/10/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021.

Bảng xếp hạng PROFIT500 – Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam đã trải qua 5 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận tốt và bền vững, tự hào là những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch diễn ra suốt hơn một năm qua thì ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, duy trì được tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021

TCBC PROFIT500 2021_B1

Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2021

Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021

Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2021

Thông tin chi tiết về Bảng xếp hạng và phương pháp xếp hạng được đăng tải trên website: www.profit500.vn.

Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2017 - 2021

Trong suốt 5 năm qua, ngành Bất động sản - Xây dựng, ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn giữ vững vị trí là Top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500. Trong khi nhóm ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn ổn định và lần lượt dao động quanh mức 11% và 10% xuyên suốt giai đoạn 2017 - 2021 thì ngành Bất động sản - Xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng.

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2017 - 2021

Phân tích từ dữ liệu thống kê trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%. Trong đó, Top 7 ngành đạt chỉ số CAGR cao nhất và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung là: Ngành Thép (34,5%); Ngành Bán lẻ (17,5%); Ngành Tài chính (17,3%); Ngành Nông nghiệp (16,0%); Ngành Thực phẩm - Đồ uống (11,9%); Ngành Hóa chất (11,7%) và Ngành Bất động sản - Xây dựng (10,8%). Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới. Nếu xét theo quy tắc 70 - Phép mầu của tăng trưởng trong kinh tế học, ngành thép đạt được ngưỡng tăng trưởng 34,5%, tức chỉ cần 2 năm (70/34,5) lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp ngành thép sẽ được nhân đôi, tương tự các doanh nghiệp bán lẻ và tài chính mất khoảng 4 năm so với mức trung bình chung 7 năm (70/10,12) của toàn bộ doanh nghiệp PROFIT500 để đạt được quy mô lợi nhuận tăng lên gấp đôi.

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2021, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2021

Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 đã gây ra không ít khó khăn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước cũng như cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tới các quốc gia khác. Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2021 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết cho thấy có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019 - 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021. Đây là dấu hiệu tích cực cho biết các doanh nghiệp niêm yết trong PROFIT500 đã dần thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh doanh sau khi đại dịch xuất hiện. Ngoài ra, 14,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 8,3% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với lợi nhuận giảm 2 kỳ liên tiếp - lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2019 - 2021

Nhìn vào biểu đồ thể hiện ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản) bình quân trong giai đoạn 3 năm từ 2019 - 2021 có thể thấy khu vực FDI luôn đạt giá trị cao nhất, tuy nhiên khoảng cách chênh lệch ROA bình quân giữa 3 khu vực FDI, khu vực Nhà nước và khu vực Tư nhân đã dần được thu hẹp trong Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2020.

Bước sang năm 2021, với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trong một khoảng thời gian dài, cả 3 khu vực kinh tế đều chứng kiến sự suy giảm ROA bình quân so với Bảng xếp hạng PROFIT500 năm trước. ROA bình quân khu vực FDI giảm nhẹ từ 12,5% (năm 2020) xuống 12,4% (năm 2021). Khu vực kinh tế Tư nhân ghi nhận ROA bình quân năm 2021 giảm còn 9,4% so với mức 9,8% của năm trước. Đặc biệt, khu vực Nhà nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giảm từ 11,7% (năm 2020) xuống 8,4% (năm 2021), điều này đã khiến cho hiệu quả sử dụng tài sản của khối doanh nghiệp này bị tụt xuống mức thấp nhất so với hai khu vực kinh tế còn lại.

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2019 - 2021

Đối với chỉ số ROE bình quân, khu vực FDI vẫn chiếm vị trí dẫn đầu trong 3 năm từ 2019 - 2021, lần lượt đạt 26,4%; 25,2% và 25,6%. Khu vực kinh tế Nhà nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc khi bước sang năm 2020, ROE bình quân tăng mạnh từ 17,6% năm 2019 lên 23,6% và vươn lên chiếm vị trí thứ 2. Trái ngược với khu vực Nhà nước, khu vực kinh tế Tư nhân có ROE bình quân giảm đáng kể từ 24,2% (năm 2019) xuống còn 20,8% (năm 2020) và là khu vực có hiệu quả sử dụng vốn thấp nhất.

Sang đến năm 2021, vị trí của 3 khu vực này không có sự xáo trộn và ghi nhận xu hướng tăng nhẹ về chỉ số ROE bình quân. Cụ thể, khu vực FDI tăng từ 25,2% lên 25,6%, khu vực Nhà nước giữ nguyên ở mức 23,6% và khu vực Tư nhân tăng từ 20,8% lên 21,1%. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp PROFIT500 đã sử dụng vốn hiệu quả hơn trước bối cảnh khó khăn chung của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp PROFIT500 trong nửa đầu năm 2021

Xuất hiện trong Top 10 Bảng xếp hạng PROFIT500 năm nay có sự điểm mặt của nhiều ngân hàng lớn, điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Cuối tháng 7/2021, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MBBank, HDBank, VIB… đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế cho biết nhiều tổ chức tín dụng hiện nay đã nâng cao được sức khỏe tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II. Song song với đó, nhiều ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động thông qua ngân hàng số và thanh toán điện tử. Với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng giúp gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào. Nhìn chung, ngân hàng hoạt động tốt trong giai đoạn này là một tín hiệu tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế khi xảy ra khủng hoảng, sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đối với nhóm doanh nghiệp phi tài chính, theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của 281 doanh nghiệp niêm yết trong bảng PROFIT500 năm nay cho thấy lợi nhuận tăng bình quân 144,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đại dịch COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất tới tiềm năng tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Trong cuộc khảo sát được Vietnam Report tiến hành vào tháng 8/2021, các doanh nghiệp PROFIT500 đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, cụ thể: Thiếu nhân lực để sản xuất do các quy định về giãn cách; Khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa; Đứt gãy chuỗi cung ứng; Sức mua giảm sút; Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2021

Dù lợi nhuận toàn thị trường quý II tăng trưởng tích cực, nhưng đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hết sức nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng qua, lợi nhuận trong quý III được dự báo sẽ giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng làm gián đoạn đà phục hồi. Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Đối với các nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và test COVID 3 ngày/lần… do đó chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất.

Nguy cơ lạm phát

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%, điều này cho thấy lạm phát của Việt Nam hiện vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng sẽ gây ra lạm phát chi phí đẩy. Thêm nữa, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên giá cả hàng hoá trên thế giới gia tăng có thể tác động làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, dẫn tới nguy cơ xảy ra lạm phát do nhập khẩu. Và hơn hết, chính những thông tin sai lệch gây ra tâm lý hoang mang cho người dân sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Do vậy, những rủi ro về lạm phát vẫn đang hiện hữu từ nay tới cuối năm.

Chuyển đổi số - “Cửa sáng” cho doanh nghiệp mùa COVID

Chuyển đổi số là chủ đề không còn mới đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong thời kỳ dịch bệnh, chuyển đổi số được coi là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trước hàng loạt khó khăn, biến thách thức trở thành cơ hội. Với việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường nên đa phần mọi người chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Điều này dẫn tới việc nhân viên hạn chế đến công ty và người tiêu dùng không thể trực tiếp mua sắm hay sử dụng dịch vụ như trước nữa. Như vậy, cả phía cung và cầu đều bị tác động bởi sự xuất hiện của đại dịch COVID-19.

Lời giải cho sự sống còn của doanh nghiệp trong đại dịch

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số là chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp để đối phó trước những tác động của đại dịch COVID-19. Qua đó, Top 5 mong đợi của doanh nghiệp PROFIT500 khi đầu tư vào chuyển đổi số là: Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Quản lý, phân tích dữ liệu và theo dõi các báo cáo kịp thời, nhanh chóng và chính xác; Tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; Nâng cao năng suất lao động; Tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2021

Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh. Chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tử (mua bán trực tuyến), giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng; quản lý khách hàng thông qua hệ thống CRM; mua hàng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng; vận chuyển an toàn, ít tiếp xúc.

Mặt khác, trong điều hành doanh nghiệp, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản trị giải quyết bài toán về chi phí và tăng hiệu suất công việc, cụ thể: chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản giấy tờ sang dữ liệu điện tử, giảm thiểu chi phí giao dịch (điển hình đối với ngân hàng), tối ưu chi phí vận hành… Hơn nữa trong giai đoạn giãn cách, nhờ có chuyển đổi số, các nhà quản trị đã giải quyết được những khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa, có thể nắm được tình hình, kiểm soát tiến độ và chất lượng công việc của toàn bộ công ty, tối ưu hóa nguồn lực dù làm việc tại nhà (Work from home) thông qua việc chuẩn hóa quy trình làm việc nhờ phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP), theo dõi dòng tiền kịp thời và nhanh chóng, họp trực tuyến để trao đổi công việc…

Luật chơi “Cá nhanh nuốt cá chậm”

Nhìn về dài hạn, chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thương trường. Quy luật cạnh tranh “Cá lớn nuốt cá bé” đang đứng trước thách thức khi có sự xuất hiện của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”, doanh nghiệp chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần và bị đào thải khỏi thị trường.

Đa số mọi người vẫn thường hình dung về những công ty, tập đoàn lớn sẽ có tiềm lực tài chính vững chắc và là thế mạnh để đổi mới và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, với hệ thống tổ chức càng lớn thì bộ máy hoạt động sẽ càng cồng kềnh và ít linh hoạt, giống như hình ảnh người khổng lồ di chuyển sẽ nặng nề và chậm rãi hơn. Bài học về cuộc khủng hoảng nợ của “người khổng lồ” Evergrander - Trung Quốc vừa qua là một minh chứng rõ nét. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có lợi thế và điều kiện thuận lợi khi có quy mô tổ chức cũng như cơ cấu nhân sự nhỏ gọn, giúp dễ dàng cho việc thích ứng và thay đổi hệ thống quản trị toàn công ty.

Top chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021

Top chiến lược ưu tiên trong những tháng cuối năm 2021 đã có nhiều thay đổi so với kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành tại thời điểm cách đây một năm (tháng 8/2020). Theo đó, Top chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp để tăng lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2021, bao gồm: Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội; Tăng doanh thu bằng cách thúc đẩy bán hàng thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi, tìm kiếm và mở rộng thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động; Cắt giảm chi phí thông qua việc thường xuyên theo dõi ngân sách và đánh giá hiệu quả hoạt động; Ứng dụng chuyển đổi số.

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2020 và Tháng 08/2021

Một nhân tố mới xuất hiện trong top chiến lược ưu tiên năm nay và chiếm vị trí đứng đầu là Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, trong thời gian vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn trở ngại vì dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp đã chung tay góp sức ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19. Qua đó cho thấy các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đồng thời tạo được hình ảnh tích cực và nâng cao uy tín trong lòng khách hàng và đối tác. Mặt khác, thay vì giảm chi phí thông qua cắt giảm nhân sự theo kết quả khảo sát năm ngoái, khi bước sang năm 2021, các doanh nghiệp PROFIT500 đã tập trung thực hiện chiến lược cốt lõi là tăng năng suất và chất lượng lao động, song song với ứng dụng chuyển đổi số và thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động để điều hành sát sao và kịp thời hơn.

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 và giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Tình hình kinh tế Việt Nam và khu vực

Mặc dù hầu hết các quốc gia đã đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin COVID trên diện rộng và thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng bức tranh kinh tế thế giới hiện nay vẫn ẩn chứa nhiều “khoảng tối” do sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh hơn, số ca nhiễm và tử vong vẫn ngày một tăng cao. Tại khu vực Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, trong đó có Việt Nam. Do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trên toàn khu vực, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hai lần điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 của Đông Nam Á từ 4,4% hồi tháng 4 xuống 4% hồi tháng 7 và giảm còn 3,1% trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á được công bố ngày 22/9. Đồng thời, ADB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 xuống mức 3,8% (trước đó, dự báo hồi tháng 4/2021 là 6,7% và tháng 7/2021 là 5,8%).

Làn sóng COVID-19 mới bắt đầu vào cuối tháng Tư đã gây ra không ít khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. GDP của Việt Nam trong quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Theo báo cáo cập nhật vừa được World Bank công bố, ước tính tăng trưởng năm nay của Việt Nam đạt 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% hồi tháng 9. Mức dự báo mới này dựa trên cơ sở GDP quý III bị suy giảm sâu và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 8/2021, cộng đồng doanh nghiệp PROFIT500 đã nêu ra 4 vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bốn đề xuất đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Giản lược tối đa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ; Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên không gian số.

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 08/2021

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là đại dịch COVID-19. Do vậy, nhanh chóng kiểm soát dịch chính là yếu tố quyết định cho sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam. Song song với đó, Chính phủ cũng cần chú trọng tới các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Về chính sách tài khóa, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần kích thích tổng cầu, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, nới lỏng và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều hết sức cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ và Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên không gian số.

 

Vietnam Report