Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Vừa qua, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023.
Theo đó, Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông và Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8/2023.
Ở nhóm siêu thị, tổng hợp, đại gia bán lẻ Thái Lan Central Retail tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng uy tín với chỉ số tài chính tốt nhất. Ở các vị trí tiếp theo, có sự hoán đổi giữa Saigon Coop và WinCommerce (gồm WinMart/Winmart+) khi Saigon Coop vươn lên vị trí thứ 2, BRG Mart và Family Mart thay thế cho Hapro và IPPG trong năm trước. Một số gương mặt thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ ngoại, ngoài Central Retail còn có Mega Market (top 4), Aeon Mall (top 5) và Lotte Mart (top 7).
Kể từ quý IV/2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trải qua những tháng ảm đạm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%). Hơn nữa, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong nửa đầu năm 2023 càng siết chặt đáng kể tỉ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong 8 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chứng kiến mức tăng trưởng dương (+8,7% so với cùng kỳ năm trước). Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu của 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ của những năm 2015-2019.
Bước sang những tháng cuối năm 2023, cùng với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang bày tỏ kỳ vọng, tình hình thị trường bán lẻ sẽ dần được cải thiện hơn so với nửa đầu năm nay, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. Trong năm 2023, doanh nghiệp bán lẻ đối mặt với 6 khó khăn bao gồm: rủi ro lạm phát tăng, tồn kho lớn, tỷ giá biến động, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành, sức mua yếu và suy thoái kinh tế.
Hình 1: Top 6 khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023
Trước thực tế này, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động có những động thái thay đổi chiến lược để thích ứng với xu thế thời cuộc, thích ứng với sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.
Để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng, chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp, các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực.
Trong khi nền tảng trực tuyến có khả năng tiếp cận rộng rãi với các đối tượng khách hàng, các cửa hàng thực tế lại mang lại các giá trị vô hình từ trải nghiệm, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng rằng, các kênh này sẽ bổ trợ cho nhau và việc vận hành đa dạng các kênh bán hàng sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình, tăng khả năng tương tác cũng như tận dụng tối ưu nguồn dữ liệu của khách hàng để có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả hay khuyến mãi cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua sắm…
Việc tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch, cũng như cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng sẽ thúc đẩy sự hài lòng và xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu.
Tiếp đến, gần 64% số doanh nghiệp ngành bán lẻ cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua. Các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để tìm hiểu sở thích và phản ứng của người tiêu dùng đối với các chiến lược quảng cáo khác nhau nhằm xây dựng một kế hoạch khả thi.
Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận cũng là một giải pháp quan trọng được doanh nghiệp bán lẻ thực hiện trong năm nay. Với điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa và chi phí logistics, tiết kiệm và sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả được cho là chiến lược mang tính thiết thực.
Tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu và họ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư trong thời gian tới. Bởi lẽ, dù có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành.
Đáng chú ý, là chiến lược nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong năm nay. 83,3% số doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết dự kiến tăng phân bổ ngân sách cho marketing nói chung lên khoảng 14% so với năm 2022; trong đó, các hạng mục được nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng chi tiêu nhất liên quan đến marketing kỹ thuật số (digital marketing), quản trị quan hệ khách hàng và trải nghiệm khách hàng. Với việc đẩy mạnh ưu tiên vào marketing, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo độ nhận diện thương hiệu cao hơn, tạo ấn tượng tích cực và tăng niềm tin từ phía khách hàng để thúc đẩy doanh số trong thời gian tới.
Hình 2: Top 6 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023
Nhìn về tương lai, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn với nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.
Sự trở lại của khách du lịch quốc tế trong năm nay và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ. Một điều kiện thuận lợi khác là Việt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của lợi tức nhân khẩu học.
Dân số đông và trẻ với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cũng thúc đẩy nhiều tầng lớp tiêu dùng trong vài năm gần đây. Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ hứa hẹn ngày càng rộng lớn.
Các chuyên gia cho rằng dân số lớn thích kết nối, nền kinh tế đang phát triển, thu nhập trung bình ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa hay mức sống cao hơn đều là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Dư địa phát triển của ngành bán lẻ về dài hạn sẽ ngày càng rộng lớn.
Có thể thị trường bán lẻ và vị thế của các nhà bán lẻ sẽ còn nhiều biến đổi trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều ẩn số tác động. Với sự cạnh tranh bằng lợi thế cốt lõi, bắt nhịp nhanh đối với sự biến đổi trong bức tranh tiêu dùng cũng như tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ và điều chỉnh chiến lược tăng trưởng phù hợp với những xu hướng vận động, doanh nghiệp không chỉ vượt qua được mùa thấp điểm tiêu dùng mà còn định vị được thành công khi chuyển sang chu kỳ tiêu dùng mới.
Vietnam Report