Tăng trưởng xanh: Doanh nghiệp Việt Nam và sự phát triển bền vững

06/03/2024

Chuyên mục:

Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam, trong đó tăng trưởng xanh đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội là tiền đề rất quan trọng. Tăng trưởng xanh không còn là lời kêu gọi, khuyến khích, mà là yêu cầu tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Tăng trưởng xanh là nền tảng của phát triển bền vững

Là một trong số các quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai và biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận thấy tăng trưởng xanh là chiến lược quan trọng để đạt được sự phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường.

Để hiện thực hoá mục tiêu trở thành quốc gia cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, lương thực lớn cho thế giới, Việt Nam cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung toàn cầu, bao gồm tiêu chuẩn liên quan đến tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh…

Theo Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai các chiến lược trên đã bước đầu đạt được thành tựu, góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Tăng trưởng xanh dưới góc nhìn của các doanh nghiệp tăng trưởng Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh - động lực cho tăng trưởng dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các nhà máy, xí nghiệp, công sở và đặc biệt là các khu công nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tạo dựng lợi thế cạnh tranh từ việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường hay tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội.

Theo khảo sát của Vietnam Report với cộng đồng doanh nghiệp FAST500 - 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (được đánh giá dựa theo tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình giai đoạn 4 năm gần nhất), tính đến năm 2023, có 85,1% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG. Trong một nghiên cứu khác của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam 2022/2023, có khoảng 79% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã cam kết hoặc có cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề chung của toàn xã hội.

Đánh giá về các rào cản trong quá trình triển khai cam kết ESG hiện nay, ngoài rào cản lớn nhất là sự hạn chế về thông tin/ dữ liệu, các doanh nghiệp FAST500 cho rằng những khó khăn khác chủ yếu đến từ chính doanh nghiệp như năng lực của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, quy mô doanh nghiệp, khả năng tài chính… Rõ ràng, cam kết thực hiện ESG cần doanh nghiệp thay đổi ở cả những vấn đề vĩ mô: tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi ích con người (gồm cả nhân viên lẫn khách hàng).

 

 

Nguồn: Vietnam Report

Hướng tới tăng trưởng xanh là một hành trình dài và không còn mang tính tự nguyện. Mục tiêu này đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường toàn cầu. Trên hành trình ấy, doanh nghiệp không thể tự đi mà rất cần sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành có liên quan trong việc ban hành cơ chế và triển khai thực hiện những nhiệm vụ xuyên suốt như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bảng xếp hạng FAST500 là bảng xếp hạng thường niên do Vietnam Report nghiên cứu và công bố trên Báo VietNamNet từ năm 2011, vinh danh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, có hiệu quả sản xuất kinh doanh ổn định và có nhiều đóng góp vào lộ trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024 sẽ được công bố chính thức trong tháng 3/2024.

Vietnam Report