Ngày 24/9/2024, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024. Trong bản Báo cáo này, Vietnam Report đã chỉ ra nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp bán lẻ.
Những yếu tố hỗ trợ
Sau những khó khăn liên tiếp phủ màu ảm đạm lên ngành bán lẻ những năm qua như sức cầu giảm, mức độ cạnh tranh gay gắt diễn ra trên thị trường qua cuộc đua hạ giá, 8 tháng đầu năm 2024, thị trường bán lẻ Việt Nam bước đầu có những tín hiệu khả quan dù tốc độ phục hồi không quá nhanh. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,68%).
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ trong 8 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ |
74,6% doanh nghiệp bán lẻ được Vietnam Report khảo sát trong tháng 9/2024 có doanh thu tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước trong khi 66,3% số doanh nghiệp cho biết đang duy trì và cải thiện lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được triển khai trong giai đoạn 2023-2024 và các biện pháp kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 69,9% người tiêu dùng đánh giá tình hình tài chính của bản thân khả quan hơn trong 12 tháng tới.
Về góc nhìn trung và dài hạn, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mức thu nhập ngày càng tăng, số người trong độ tuổi lao động lên tới 67 triệu người cũng như tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ngày càng đa dạng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường tiêu dùng, mở đường cho ngành bán lẻ phát triển. Theo dự báo của KPMG Việt Nam, từ năm 2020 đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, nằm trong nhóm quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, tỷ lệ tiêu dùng so với tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực khi đạt trên 70%.
5 yếu tố định hình
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng Báo cáo của Vietnam Report chỉ ra rằng, số lượng doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt năm 2023 tuy có chiếm đa số nhưng mức tăng chỉ nhích nhẹ ở mức khiêm tốn và vẫn còn 25,4% số doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, hơn một phần ba số doanh nghiệp có lợi nhuận kém hơn. Tốc độ chuyển trạng thái của thị trường chưa thực sự mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với 8 tháng đầu năm 2023 nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ giai đoạn 2022-2023.
Một số giải pháp ưu tiên phát triển thị trường bán lẻ theo kiến nghị của doanh nghiệp với Chính phủ |
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy và tăng tốc quá trình phục hồi, trong thời gian tới, các doanh nghiệp bán lẻ rất cần lưu ý tới 5 yếu tố định hình thị trường gồm: kinh tế vĩ mô; quy định pháp lý và chính sách nhà nước; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành; sự dịch chuyển trong khuynh hướng tiêu dùng; sự bùng nổ của công nghệ. 5 yếu tố này có mối tương quan và tác động qua lại với nhau, tạo nên một bức tranh đầy phức tạp và luôn thay đổi. Do vậy, việc nắm bắt tốt 5 yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và tạo dựng những lợi thế cạnh tranh bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động như: bán hàng đa kênh (79,2% số doanh nghiệp lựa chọn); đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm 2023); tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định. Các định hướng này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện bức tranh kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo.
|