Góc nhìn toàn cảnh Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024

13/06/2024

Chuyên mục:

Đây là năm thứ tư Vietnam Report công bố bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả nhằm ghi nhận những công ty đại chúng thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính, truyền thông, tiềm năng tăng trưởng, phát triển bền vững và có vị thế trong ngành.

Tại thời điểm công bố bảng xếp hạng, vốn hóa của 50 công ty đại chúng trong danh sách VIX50 chiếm trên 51% của toàn thị trường, ROE năm 2023 trung bình đạt 16,5%, tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận trung bình 5 năm lần lượt là 13,2% và 17,0%.

Năm 2024, VIX50 ghi nhận sự xuất hiện lần đầu tiên của một số doanh nghiệp như Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HCM), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Công ty Cổ phần PVI (PVI), Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL). Những doanh nghiệp thuộc VIX50 năm nay đều là các tên tuổi đã không ngừng nỗ lực để đạt được kết quả ấn tượng trong thời gian đầy biến động vừa qua.

Trong danh sách của VIX50, có 27 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên một tỷ USD, 21 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, và 36 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

Nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm vị trí cao nhất với 13 đại diện, tiếp đến là nhóm ngành Bất động sản (7), Vận tải và Logistics (5), Thực phẩm (5), Xây dựng và vật liệu xây dựng (4). Năm nay, BIDV (BID) vươn lên vị trí dẫn đầu về doanh thu, Vinhomes (VHM) vươn lên vị trí dẫn đầu về lợi nhuận. Xét về hiệu quả sinh lời ROE, Nhựa Bình Minh (BMP) giữ vị trí quán quân, tiếp đến là Hóa chất Đức Giang (DGC) và Tổng Công ty IDICO (IDC). Trong khi đó, các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu giai đoạn 2019-2023 cao nhất thị trường (trên 26%) thuộc về ngân hàng với hai đại diện HDBank (HDB) và VIB (VIB); các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận giai đoạn 2019-2023 cao nhất thị trường là Hóa chất Đức Giang (DGC) và Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL).

Hoạt động của các công ty đại chúng trên thị trường hiện nay chịu tác động sâu sắc bởi biến động của thị trường chứng khoán. Trải qua giai đoạn thăng trầm bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 được kì vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, đan xen giữa các nhịp điều chỉnh do ảnh hưởng của những biến số vĩ mô, chẳng hạn như việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán bao gồm cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, những yếu tố quan trọng như kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS)… luôn đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp đại chúng. Đặc biệt, theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, mức độ hài lòng đối với hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp lần đầu lọt top 5 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến uy tín và hiệu quả của các doanh nghiệp đại chúng.

 

Nguồn: Vietnam Report - Khảo sát các doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2023 và 5/2024

Vai trò của quan hệ nhà đầu tư trong việc xây dựng uy tín của doanh nghiệp đại chúng

Trong một môi trường kinh doanh đang ngày càng phức tạp và đa phương hoá, uy tín doanh nghiệp là “chìa khoá” quan trọng để đạt được thành công lâu dài. Danh tiếng tốt không chỉ nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các bên liên quan và công chúng nói chung. Ngược lại, bằng cách đầu tư vào các hoạt động quan hệ nhà đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp có thể tạo dựng uy tín để nâng cao vị thế trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư mới và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Do đó, bộ phận quan hệ nhà đầu tư đã trở thành một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đại chúng.  

Củng cố niềm tin vào doanh nghiệp thông qua giao tiếp

Giao tiếp rõ ràng và hiệu quả là nền tảng của bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào, kể cả mối quan hệ giữa một doanh nghiệp với các nhà đầu tư của mình. Trong đó, bộ phận quan hệ nhà đầu tư đóng vai trò là cầu nối giữa ban lãnh đạo và các cổ đông, đảm bảo các thông tin liên quan được truyền đạt kịp thời, chính xác và rõ ràng.

Nhiệm vụ chính của quan hệ nhà đầu tư là cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về tình hình của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư một cách sáng suốt. Đối với các doanh nghiệp đại chúng, bằng cách cung cấp thông tin minh bạch và nhất quán, chia sẻ dữ liệu về hiệu quả tài chính, giải quyết kịp thời các mối lo ngại có thể dẫn đến những khủng hoảng…, bộ phận quan hệ nhà đầu tư có thể củng cố niềm tin vào doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng và duy trì uy tín thương hiệu mạnh.

Phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các bên liên quan

Quan hệ nhà đầu tư là tìm cách tối đa hóa giá trị cổ đông bằng cách cung cấp cho nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về hoạt động của doanh nghiệp, qua đó làm tăng sự quan tâm từ các nhà đầu tư, thúc đẩy nhu cầu về cổ phiếu và cuối cùng là làm tăng giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

Ngoài cổ đông, quan hệ nhà đầu tư cũng quản lý những mối quan hệ với các nhà phân tích, cơ quan xếp hạng hay bên liên quan khác. Bằng việc chủ động tương tác, đảm bảo thông tin đầy đủ về chiến lược, hiệu quả hoạt động và triển vọng phát triển của doanh nghiệp tới các bên liên quan, quan hệ nhà đầu tư trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với cộng đồng đầu tư, giúp xây dựng hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường tài chính, cũng như nhận thức về doanh nghiệp trong cộng đồng nói chung.

Xử lí khủng hoảng và bảo vệ uy tín doanh nghiệp

Khi xảy ra khủng hoảng hoặc sự kiện tiêu cực, quan hệ nhà đầu tư đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và khôi phục uy tín cho doanh nghiệp. Bởi càng trong giai đoạn khó khăn, việc giao tiếp chủ động và rõ ràng càng trở nên quan trọng hơn. Bộ phận quan hệ nhà đầu tư có trách nhiệm giải quyết kịp thời các mối quan ngại, cung cấp thông tin chính xác và quản lý các luồng thông tin liên lạc để đảm bảo tính minh bạch.

Bằng việc chủ động trong công tác quản lý khủng hoảng, bộ phận quan hệ nhà đầu tư có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực đến uy tín thương hiệu. Việc truyền đạt một cách có hiệu quả về phản ứng, hành động và kế hoạch ứng phó, phục hồi của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì niềm tin ở các bên liên quan khi doanh nghiệp phải đối mặt với hoàn cảnh đầy thách thức.

Tác động mang tính chiến lược đến uy tín doanh nghiệp

Quan hệ nhà đầu tư đóng vai trò chiến lược trong việc định hình danh tiếng của doanh nghiệp. Bằng cách hiểu nhu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư và các bên liên quan, các chuyên gia trong lĩnh vực này có thể cung cấp những thông tin có giá trị cho ban lãnh đạo, qua đó giúp điều chỉnh chiến lược và hành động của doanh nghiệp phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng đầu tư.

Mặt khác, thông qua việc duy trì quan hệ tốt đẹp với các nhà đầu tư, bộ phận quan hệ nhà đầu tư có được sự hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường, tâm lý nhà đầu tư cũng như những vấn đề mới nổi, từ đó góp phần định hướng chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao uy tín doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư và các bên liên quan.

Chiến lược quan hệ nhà đầu tư hiệu quả của các doanh nghiệp đại chúng

Chiến lược quan hệ nhà đầu tư là một trong những công cụ quan trọng để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đại chúng, tiếp cận cộng đồng đầu tư nhằm mục đích huy động vốn, thu thập phản hồi có giá trị và quảng bá sản phẩm, dịch vụ cũng như uy tín của doanh nghiệp. Khi thị trường chứng khoán không ổn định và hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn, một chiến lược quan hệ nhà đầu tư hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan để giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Để triển khai một chiến lược quan hệ nhà đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp nên xác định trước những nội dung sau:

  1. Xác định mục tiêu: Đặt ra mục tiêu rõ ràng (như huy động vốn, xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư…) để phân bổ nguồn lực và điều chỉnh chiến lược một cách hợp lí.
  2. Xác định đối tượng mục tiêu: Lựa chọn kỹ càng đối tượng mục tiêu, bao gồm nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, dựa trên khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Đối tượng cũng cần được phân khúc để có thể điều chỉnh các thông điệp khác nhau phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của họ.
  3. Xác định thông tin chia sẻ với nhà đầu tư: Chia sẻ thông tin như kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính… với thông điệp rõ ràng, súc tích, phù hợp với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên thường xuyên duy trì cập nhật thông tin với các nhà đầu tư.
  4. Xác định dòng thời gian (timeline) và các kênh: Xác định dòng thời gian cụ thể để chiến lược luôn đi đúng hướng. Tìm kiếm các kênh hoặc công cụ để thực hiện kế hoạch hiệu quả, có thể tiếp cận đối tượng qua nhiều kênh khác nhau như phương tiện truyền thông truyền thống, trực tuyến…
  5. Xác định ngân sách: Xây dựng ngân sách phù hợp để hiện thực hoá mục tiêu phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Doanh nghiệp cũng cần chú ý đến một số yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến việc triển khai một chiến lược quan hệ nhà đầu tư hiệu quả, bao gồm: (1) Tính đơn giản, súc tích trong thông điệp; (2) Tính minh bạch trong thông tin, bao gồm cả thông tin tích cực và tiêu cực; (3) Tính nhất quán, đảm bảo mối quan hệ lâu dài với các nhà đầu tư; (4) Tính toàn diện khi tích hợp chiến lược quan hệ nhà đầu tư với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp phù hợp; (5) Tính thời sự, thường xuyên cập nhật xu hướng mới nhất trên thị trường; (6) Tính thực tế với mục tiêu trong khả năng để quản lí kì vọng của các nhà đầu tư hợp lí; (7) Tính cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp; (8) Tính dự phòng cho phương án thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đại chúng đã đầu tư đáng kể vào hoạt động quan hệ nhà đầu tư với mục đích gia tăng giá trị cổ đông, nhưng không dễ để tách biệt được tác động trực tiếp của các hoạt động này lên giá cổ phiếu so với những biện pháp tài chính khác. Một số yếu tố như điều kiện kinh tế, hoạt động ngành… cũng gây khó khăn cho việc xác định mức độ biến động giá cổ phiếu do tác động từ hoạt động quan hệ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một số phương pháp có thể cung cấp thông tin về hiệu quả tổng thể của một chiến lược quan hệ nhà đầu tư đã được triển khai, qua đó giúp đo lường kết quả của chiến lược này, chẳng hạn như: (1) Đánh giá phản hồi của cổ đông (khảo sát, thảo luận nhóm hoặc phỏng vấn trực tiếp); (2) Phân tích độ phủ sóng trên truyền thông; hoặc (3) Rà soát các biện pháp tài chính mà doanh nghiệp đã thực hiện.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vai trò của hoạt động quan hệ nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên quan trọng. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Các văn bản pháp luật chính như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán đã quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, bao gồm quyền được tiếp cận thông tin, tham gia quản lý doanh nghiệp và được chia lợi nhuận công bằng. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các công ty niêm yết, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một số hạn chế như vấn đề minh bạch thông tin, cạnh tranh không lành mạnh và xung đột lợi ích giữa các bên liên quan… Việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm của các bên liên quan sẽ góp phần củng cố mối quan hệ nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Vietnam Report