Doanh nghiệp ngành bán lẻ tìm cách phục hồi tăng trưởng hậu COVID-19

28/10/2021

Chuyên mục:

Bán lẻ được coi là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của đại dịch COVID-19, nhưng cũng thể hiện khả năng phục hồi nhanh so với các lĩnh vực khác. Các nhà bán lẻ đang tích cực tìm chiến lược để vượt qua khủng hoảng phục hồi mức tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới.

Thách thức của doanh nghiệp bán lẻ

Ngành bán lẻ đang trải qua một thời kỳ biến động kéo dài. Các yếu tố như thay đổi hành vi tiêu dùng, tăng cường mua sắm trên internet và điều kiện kinh tế đầy thách thức đang thay đổi cách các nhà bán lẻ vận hành và tương tác với khách hàng của họ. Đại dịch COVID-19 đã thêm vào những thách thức này, thúc đẩy các xu hướng như gia tăng mua sắm trực tuyến. Cũng giống như làn sóng Covid trước, ngành bán lẻ gặp phải những khó khăn, thách thức tương tự. Nhưng trước tác động của làn sóng Covid lần thứ tư nghiêm trọng hơn, với những hạn chế do quy định giãn cách, phong tỏa và khung giờ hoạt động tại nhiều nơi, những khó khăn này mang sắc thái rõ nét hơn.

Kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report đã chỉ ra top 4 khó khăn đó, bao gồm: Sự thận trọng hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng (89,47%); Đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh và khó khăn trong khâu vận chuyển (78,95%); Đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng (73,68%); Đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng cao đột biến (57,89%).

Doanh nghiệp ngành bán lẻ tìm cách phục hồi tăng trưởng hậu Covid -19

Top 4 khó khăn, thách thức của doanh nghiệp bán lẻ trước làn sóng COVID-19 lần thứ tư

Sự thận trọng hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn, gây ra nỗi sợ hãi lan rộng liên quan đến sức khỏe, an ninh việc làm, chất lượng cuộc sống và sự ổn định tài chính ở cả cấp độ cá nhân và vĩ mô. Trong khảo sát vào tháng 7 năm 2021 của Statista tại Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 24 điểm, cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với chỉ số quan sát được vào tháng 1 năm 2021. Đây là chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp nhất trong thời kỳ quan sát do tác động của làn sóng COVID-19 mới với ngành bán lẻ.

Doanh nghiệp ngành bán lẻ tìm cách phục hồi tăng trưởng hậu Covid -19

Sự thay đổi trong cách chi tiêu của người tiêu dùng, khảo sát người tiêu dùng tháng 8/2020 và 8/2021 của Vietnam Report

Để đối phó với nỗi sợ hãi này, người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu lại, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người khác như chuỗi domino và do đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong ngắn hạn và dài hạn. Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report trong tháng 8/2020 và 8/2021 cho thấy sự thận trọng hơn trong chi tiêu có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ gia tăng tỷ lệ người tìm cách tiết kiệm tiền khi mua sắm từ 85,29% lên 91,18%, đặc biệt là quan tâm nhiều hơn lập danh sách cho các chuyến mua sắm và chuyển sang các sản phẩm rẻ để tiết kiệm tiền, 90,20% người được hỏi lựa chọn so với con số 66,67% của năm 2020; 97,06% người dành thời gian lập kế hoạch cho các chuyến mua sắm, tăng lên đáng kể so với kết quả khảo sát của năm 2020 là 76,47%.

Đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng nặng nề khâu vận chuyển

Quan niệm “hàng thiết yếu” cùng các quy định, yêu cầu các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa tại các địa phương không thống nhất đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù đã lên kịch bản, dự đoán nhu cầu và tích trữ hàng nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn thiếu nguồn cung cho một số phân khúc sản phẩm có nhu cầu cao như máy tính giá tầm trung, thực phẩm chế biến do công ty sản xuất thiếu hụt nguồn cung linh kiện và lao động.

Không chỉ gián đoạn, đứt gãy trong chuỗi cung ứng, các siêu thị cũng phải gánh thêm các chi phí phát sinh để tìm thêm nhà cung cấp, tăng chi phí vận chuyển khi phải dỡ hàng và đổi tài xế, xét nghiệm, hao hụt trong khi vẫn phải bình ổn giá nhiều mặt hàng. Khâu kiểm tra tại các chốt liên tỉnh cũng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển hàng hoá kéo dài hơn so với kế hoạch, khiến hàng hóa có mặt tại siêu thị chậm hơn.

Đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng

Siêu thị, cửa hàng là nơi tập trung đông người nên việc thực hiện các quy định, thủ tục liên quan để duy trì hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu trên cơ sở đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 là một khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Tại nhiều địa phương yêu cầu cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu thực hiện “3 tại chỗ” và tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ trong khi cơ sở vật chất của nhiều đơn vị hiện nay không đảm bảo, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe người lao động. Trong thời gian qua, nhiều siêu thị lớn cũng phải đóng cửa dài ngày để khử trùng, truy vết và xét nghiệm khi nhân viên, khách hàng, đối tác bị nhiễm COVID-19, đã làm lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn, phải bù lỗ để bình ổn giá.

Chật vật đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng đột biến

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã đẩy nhanh tốc độ các chủ doanh nghiệp mở cửa hàng thương mại điện tử và người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Trong lúc giãn cách, đơn hàng online tại các cửa hàng, siêu thị có lúc tăng từ 5-7 lần khi nhiều người hạn chế đến siêu thị. Sự gia tăng đột biến qua kênh online đã khiến không ít nhà bán lẻ gặp nhiều khó khăn, thách thức để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo chất lượng và thời gian vận chuyển hàng hóa đến tay người mua.

Trước khi có dịch, nhiều nhà bán lẻ cung cấp đơn hàng thực phẩm tươi như rau củ quả, thịt thường giao ngay trong vòng 2 giờ khi sử dụng các lái xe công nghệ để giao hàng. Nhưng khi nhiều địa phương áp dụng chỉ thị 16, một số sự cố như trang web, app bị quá tải, nhiều đơn hàng bị tắc nghẽn, không thể giao hàng trong ngày như trước và mã giảm giá bị lỗi đã xảy ra do số lượng đơn hàng tăng, thiếu hụt nhân viên đóng gói, tài xế công nghệ và quy định về thời gian hoạt động của siêu thị. Các đơn vị bán lẻ mặc dù đã đăng ký với cơ quan chức năng cấp phép hoạt động cho đội giao hàng, nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đủ tài xế công nghệ.

Đánh giá về việc mua sắm trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh của người tiêu dùng trong khảo sát của Vietnam Report vào tháng 8/2021 cho thấy 67,65% khách hàng đánh giá nhìn chung các nhà bán lẻ trực tuyến đã làm rất tốt về khả năng cung cấp sản phẩm và/hoặc giao hàng nhanh chóng; 29,41% người tiêu dùng cho rằng một số nhà bán lẻ luôn hoạt động tốt, trong khi nhóm khác thì không và có 2,94% người thất vọng về hiệu suất của các nhà bán lẻ trực tuyến liên quan đến tính sẵn có của sản phẩm và/hoặc giao hàng nhanh chóng.

Triển vọng ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2021

Các chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report nhận định 4 yếu tố bên ngoài ảnh hưởng nhất đến kết quả cũng như chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới, đó là: Khả năng kiểm soát dịch bệnh và tốc độ bao phủ vắc xin; Sự thay đổi hành vi và các phương pháp tiếp cận người tiêu dùng; Mức thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng; Sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng mua hàng trực tuyến. Như vậy, động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm đến từ kênh bán hàng trực tuyến và nhu cầu của khách hàng cho những nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và nhóm ngành hàng phục vụ nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến.

Trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là một nước có dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp ngành bán lẻ tìm cách phục hồi tăng trưởng hậu Covid -19

Triển vọng ngành bán lẻ những tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước, khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2021 của Vietnam Report

Thống kê của công ty chứng khoán Agriseco cũng chỉ ra ngành bán lẻ đứng thứ ba trong các nhóm cổ phiếu có mức sinh lời cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát với mức trung bình đạt 27,7%, đứng trên một số nhóm ngành như Dịch vụ tài chính (25,9%), Sản xuất dầu khí (23,8%), Ngân hàng (21,3%). Từ nửa sau tháng 9 số ca nhiễm mới SARS-CoV-2, số ca bệnh nặng liên tục giảm, Chính phủ đã chuyển chiến lược từ không COVID-19 sang sống chung với COVID-19, các địa phương thực hiện linh hoạt chống dịch trong điều kiện mới, đời sống của người dân đang dần trở lại bình thường, hàng loạt cửa hàng, siêu thị của các nhà bán lẻ dần mở cửa đón khách sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm.

Nhưng trước những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, nguy cơ lạm phát gia tăng, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đã thận trọng và dè dặt hơn trong nhận định về triển vọng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm so với năm trước và cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Theo đó, có 61,90% doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá nhóm ngành hàng lâu bền sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi nhóm bán lẻ hàng tiêu dùng có phần tươi sáng hơn với 56,52% ý kiến cho rằng ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ khó khăn hơn một chút, 26,09% đánh giá khó khăn hơn nhiều và có 8,70% đánh giá khả quan hơn một chút. Khoảng gần 40% doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng để doanh thu của ngành bán lẻ sau làn sóng COVID-19 lần thứ tư có thể phục hồi cần từ 7 đến 12 tháng, và có 20% doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh lạc quan hơn, nhận định thị trường phục hồi sau khoảng 6 tháng khi mà du lịch mở cửa, người dân hoạt động nhộn nhịp trở lại.

3 xu hướng ngành bán lẻ trong thời kỳ bình thường mới

Xu hướng 1: Mô hình cửa hàng hỗn hợp Omnichannel sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự tái cấu trúc hoạt động từ cửa hàng vật lý, nhà kho đến trụ sở văn phòng hỗ trợ

Xu hướng 2: Nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số tại cửa hàng, siêu thị. Sự kết hợp của các công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (Artificial intelligence), Robot, IOT (Internet of Things), Thực tế ảo VR (Virtual Reality), Thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), phần mềm máy học (Machine Learning) sẽ cho phép khách hàng mua sắm tại các cửa hàng ngoại tuyến mà không cần tương tác với các cá nhân khác và đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của khách hàng. Hệ thống tự động hóa trong các trung tâm phân phối và cửa hàng cũng giúp cải thiện tốc độ và sự chính xác của quy trình thực hiện đơn hàng đa kênh.

Doanh nghiệp ngành bán lẻ tìm cách phục hồi tăng trưởng hậu Covid -19

Phương thức thanh toán trước và khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, khảo sát của VNR

Xu hướng 3: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững, sức khỏe, sự lành mạnh, và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Theo đó, các công ty có trách nhiệm với xã hội sẽ được tôn trọng hơn và được hưởng lợi thế cạnh tranh.

Chiến lược của doanh nghiệp bán lẻ

Khảo sát của Vietnam Report đối với các chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ cho thấy top 6 giải pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng để ứng phó với tác động của đại dịch là: Đảm bảo an toàn: Khử trùng xe đẩy hàng và đóng gói sản phẩm riêng lẻ để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, tiêm phòng cho nhân viên; Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến kết hợp giao hàng tại nhà;Tăng cường số hóa và làm việc từ xa; Giữ vững bình ổn giá, không tăng giá; Tăng cường chuẩn bị các kịch bản, dự đoán nhu cầu và tích trữ hàng cho 3-6 tháng; Tạm ngưng phục vụ tại một số trung tâm, siêu thị, cửa hàng tại các vùng có dịch.

Doanh nghiệp ngành bán lẻ tìm cách phục hồi tăng trưởng hậu Covid -19

Top 6 giải pháp ứng phó của doanh nghiệp bán lẻ trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2021 của VNR

Có thể thấy, bài học kinh doanh lớn nhất từ đại dịch COVID-19 là thành công trong lĩnh vực bán lẻ thời hiện đại đồng nghĩa với sự linh hoạt và khả năng thích ứng. Trong thời kỳ bình thường mới tiếp theo, việc không ngừng xác định lại nhu cầu của khách hàng đồng thời nâng cao yếu tố tiện lợi, trải nghiệm mua sắm sẽ là chìa khóa thành công của các nhà bán lẻ.