Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta đã gây ra cho Việt Nam những tổn thương sâu sắc. Trong cơn sóng gió ấy, các doanh nghiệp lớn - các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đóng vai trò “đứng mũi chịu sào” như những chiếc phao vững vàng trong khủng hoảng.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, tác động của nó được đánh giá là chỉ xếp sau tác động của hai cuộc Thế chiến và Đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta đã gây ra cho Việt Nam những tổn thương sâu sắc
với những chuỗi ngày kéo dài giãn cách, đình trệ kinh doanh và sản xuất dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung trong nhiều mảng sản xuất, làm hạn chế cơ hội bứt phá và ngăn cản đà tăng trưởng. Trong cơn sóng gió ấy, các doanh nghiệp lớn - các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đóng vai trò “đứng mũi chịu sào” như những chiếc phao vững vàng trong khủng hoảng. Nghiên cứu sau đây cung cấp một góc nhìn về những thách thức hàng đầu và cơ hội mới của các doanh nghiệp VNR500, tác động của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp VNR 500 trước thềm năm mới 2022.
- Thuyền cả sóng lớn: Thách thức của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đối với doanh nghiệp VNR500
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư có quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại đẩy rất nhiều doanh nghiệp Việt đến giới hạn của sức chịu đựng. Đại dịch Covid-19 được ví như cơn cuồng phong mà các doanh nghiệp Việt Nam như rừng cây đang kỳ phát triển. Gió bão thổi qua nhiều cây lớn, cây bé đổ rạp, ngay cả đại thụ cũng lung lay.Các doanh nghiệp VNR500 như những con thuyền cả trước sóng lớn đang đứng trước những thách thức khổng lồ.
Khảo sát của Vietnam Report tháng 11/2021 cho thấy các tác động tiêu cực của đợt bùng phát làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư dẫn đến 92,0% doanh nghiệp bị gián đoạn quy trình làm việc do nhân sự tuân thủ giãn cách xã hội; 89,2% doanh nghiệp có chi phí sản xuất tăng vọt do phương án 3 tại chỗ, cước vận chuyển, bị phạt vì vi phạm hợp đồng,…; 81,9% doanh nghiệp bị giảm sản lượng do gián đoạn sản xuất; 77,8% doanh nghiệp gặp ách tắc trong hoạt động mua nguyên vật liệu đầu vào. Theo khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp VNR500 đánh giá ba tác động và thách thức đáng kể nhất ảnh hưởng tới tăng trưởng của doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2021 là: (i) Khó khăn do thị trường trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng (82,9%); (ii) Khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới (56,6%); (iii) Khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào (48,7%). Khảo sát trên cũng chính là cơ sở để chỉ ra ba thách thức của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đối với doanh nghiệp VNR500 bao gồm:
Thứ nhất, thách thức do thị trường trong và ngoài nước bị ảnh hưởng với tình trạng suy thoái toàn cầu và đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế giảm sút nhưng lạm phát lại tăng cao.
Tình trạng lạm phát gia tăng trên toàn thế giới do tác động của các gói kích thích kinh tế ứng phó COVID-19 kéo theo giá năng lượng, nhiên liệu, vận tải trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng. Việc tăng giá các mặt hàng như xăng, dầu, gas, than… sẽ đẩy giá thành lên cao, chi phí sản xuất cũng tăng lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao; các hàng rào kỹ thuật cao hơn trong bối cảnh các quốc gia mở cửa giao thương hậu COVID-19 có xu hướng ưu tiên các quốc gia, khu vực kiểm soát được dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) làm gia tăng nhập khẩu và sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, nếu thiếu các cơ chế sàng lọc, giám sát, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy gia công, lắp ráp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) kém chất lượng.
Thứ hai, thách thức trong duy trì và tìm kiếm khách hàng – nguồn sống của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp VNN500 phải đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm thậm chí bị hủy do nhu cầu của khách hàng giảm mạnh.
Thứ ba, thách thức việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào bởi hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn bị tác động tiêu cực do tình trạng ách tắc trong vận tải quốc tế và phí vận tải tăng cao.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục lan rộng đang ảnh hưởng tiêu cực cho việc các doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh trở lại. Đồng thời, các chi phí y tế phát sinh từ việc phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ công nhân cũng đe dọa hoạt động của doanh nghiệp vì chi phí tăng làm giá thành sản xuất bị “đội lên” và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Cơ hội để doanh nghiệp VNR500 trụ vững và tăng trưởng
Các chuyên gia nhận định rằng bên cạnh những thách thức của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư , Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ sự phát triển công nghệ thông tin và trong đó chuyển đổi số trở thành cú hích quan trọng, là trụ cột nền tảng để thúc đẩy quá trình phục hồi những hậu quả do dịch bệnh.
Bối cảnh mới mở ra cho Việt Nam một số cơ hội như: (i) Gia tăng dấu ấn trong dòng thương mại, đầu tư và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; (ii) Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; (iii) Thách thức từ biến đổi khí hậu cùng các cam kết trong các FTA thế hệ mới là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp VNR500 nếu linh hoạt thích ứng, biết nắm bắt cơ hội chuyển dịch xu hướng sẽ có lợi thế, giữ được đà tăng trưởng, thậm chí phát triển tốt. Cơ hội để doanh nghiệp VNR500 trụ vững và tăng trưởng có thể bao gồm:
Thứ nhất, cơ hội của xu thế chuyển đổi số để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận trực tiếp với khách hàng đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp VNR500 đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp VNR500 có thể tận dụng tối đa những lợi thế mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế với đổi mới công nghệ là động lực tăng trưởng với sự gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, các loại hình kinh tế số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng thương mại điện tử, ngân hàng số (digital banking)… đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ dẫn đến những sự thay đổi mang tính cơ cấu, trong đó có xu hướng người tiêu dùng thích ứng dụng kỹ thuật số và người lao động chuyển sang mô hình làm việc từ xa.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp VNR500 đã chuyển đổi số để tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho khách hàng để có thể xem kỹ sản phẩm từ mọi góc độ qua mạng mà không cần đến trực tiếp ở cửa hàng, từ đó có thể đưa ra quyết định mua sắm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thu thập được các dữ liệu về sự thay đổi trong thói quen mua sắm và sở thích của khách hàng, nhờ thế mà kịp thời đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp.
Thứ hai, cơ hội để định vị chiến lược kinh doanh, tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để chung sống an toàn với dịch.
Theo khảo sát của Vietnam Report về các chiến lược ưu tiên trong thời kỳ bình thường tiếp theo của doanh nghiệp VNR500, 76,3% doanh nghiệp quyết định tăng cường sử dụng công nghệ mới, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và R&D; 71,1% doanh nghiệp lựa chọn bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi; 65,8% doanh nghiệp sẽ mở rộng sang các thị trường hoặc phân khúc mới; 64,5% doanh nghiệp thực hiện cải thiện năng lực kỹ thuật số của doanh nghiệp; và 50,0% doanh nghiệp quan tâm tới việc nâng cao trách nhiệm xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khi cuộc chiến giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn đặt ra vấn đề về sự tin cậy với đối tác, các mặt hàng chiến lược, y tế, thiết yếu và công nghệ cốt lõi. Vì vậy, định vị chiến lược kinh doanh ở thời điểm này không chỉ là để vượt qua những thách thức từ đại dịch, mà còn để bắt nhịp với các xu thế kinh tế lớn của thế giới.
Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp VNR500 có thể là những đầu tàu để Việt Nam tận dụng những cơ hội và tiềm năng vốn có của mình để có thể trở thành công xưởng sản xuất smartphone hoặc đồ gia dụng thông minh của thế giới. Điều này giúp Việt Nam tăng thêm mức độ ảnh hưởng trong chuỗi sản xuất của thế giới và cạnh tranh để trở thành nơi sản xuất chất lượng của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Thứ ba, cơ hội để doanh nghiệp VNR500 đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu. Cơ hội khai thách thị trường nội địa này được gắn với đẩy mạnh hơn nữa chính sách kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa để tận dụng thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam với gần 15% dân số là ở mức trung lưu.
Bên cạnh việc nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác; doanh nghiệp VNR500 cần chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội để trụ vững và tăng trưởng, xứng đáng với sứ mệnh và vai trò của mình trong nền kinh tế./.
Vietnam Report
Theo VNR500