Định hướng ưu tiên nhập khẩu và tiêu thụ LNG

07/08/2023

Chuyên mục:

Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 của Liên Hợp Quốc, Chính phủ Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng LNG đối với năng lượng quốc gia. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh đưa LNG phục vụ cho công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất điện.

Là đơn vị tiên phong nhập khẩu LNG về Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp khí; tích cực thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước.

LNG thay thế cho các nhiên liệu truyền thống

Khí thiên nhiên là một dạng nhiên liệu hoá thạch được khai thác từ các mỏ khí hoặc mỏ dầu (khí đồng hành). Khi sử dụng, khí thiên nhiên cho ra lượng khí thải carbon ít hơn 40% so với than đá và 20% so với dầu mỏ. Vì vậy, dạng năng lượng này được đánh giá sạch hơn và có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt được dùng làm nhiên liệu cho sản xuất điện. Tuy nhiên, việc vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống dẫn khí sẽ khó để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, vì việc lắp đặt ống khí giữa khu vực lãnh thổ ở khoảng cách xa không mang lại hiệu quả kinh tế.

Sự kiện đón tàu LNG đầu tiên

Trong bối cảnh đó, LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng - liquefied natural gas). chính là giải pháp tối ưu nhất cho việc vận chuyển và tồn trữ khí. LNG là sản phẩm của quá trình chuyển đổi khí tự nhiên từ trạng thái khí thành dạng lỏng, được thực hiện bằng cách làm lạnh xuống -162 độ C, tại áp suất khí quyển và loại bỏ hết tạp chất; chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn.

LNG với thành phần chủ yếu là methan (CH4) chiếm khoảng 87-99% mole và hàm lượng nhỏ Nitơ khoảng 0.31% mole, tạo ra mức phát thải khí nhà kính và oxit nitơ rất thấp, và hầu như không có oxit lưu huỳnh khi LNG hóa hơi và đốt cháy. LNG có các tính chất đặc trưng như không màu, không mùi, không độc.

Phương tiện vận chuyển LNG chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3 (có thể lên tới 260,000 m3). Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. Ngoài ra, LNG có thể được chuyên chở bằng xe bồn, tàu hỏa, tàu ven biển có tải trọng từ 2,500-12,000 m3 đến những hộ tiêu thụ ở xa đường ống dẫn khí, các thị trường khu vực ven biển, các đảo ngoài khơi.

Với những lợi thế chuyên biệt, LNG chính là một “giải pháp môi trường” có tiềm năng thay thế dần các năng lượng truyền thống, trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới.

Các nước tiên phong trong chương trình chuyển dịch năng lượng sang khí LNG phải kể đến là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này cũng đã ghi nhận mức giảm phát thải đáng kể qua các năm, mở ra bước tiến mới đầy hy vọng cho ngành công nghiệp năng lượng xanh và bền vững. Theo các kết quả nghiên cứu,  việc chuyển đổi từ than sang khí đốt giúp giảm 50% lượng khí thải khi sản xuất điện và 33% khi cung cấp nhiệt (theo IEA, 2019).

PV GAS tạo đà phát triển LNG ở Việt Nam

Trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước suy giảm nhanh, các mỏ mới có chi phí phát triển cao, quá trình đàm phán giá khí kéo dài, trong khi đó nhu cầu sử dụng khí ngày càng tăng, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ để bảo đảm duy trì nguồn cung cấp khí ổn định, lâu dài. Chính phủ cũng đã định hướng sử dụng LNG trong công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất điện.

Họp báo sự kiện "PvGas tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam"

Việc nhập khẩu LNG được xem là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nhận định, Quy hoạch điện VIII chính là “bàn đạp” để Việt Nam có thể bứt phá thông qua việc đưa vào quy hoạch các dự án điện LNG, làm tiền đề thúc đẩy hoạt động đầu tư và nhập khẩu loại nhiên liệu siêu lạnh này vào Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Thông điệp LNG của PvGas

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã chỉ đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) triển khai thực hiện dự án nhập khẩu LNG. Với sứ mệnh mang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp giấy phép, sẵn sàng đầu tư và nhập khẩu khí LNG cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.

Hiện nay, PV GAS đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho công tác xuất nhập khẩu và kinh doanh LNG với Dự án Kho cảng LNG Thị Vải cùng một số dự án liên quan khác. Bước tiến quyết tâm này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng kinh doanh cho PV GAS, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong và xác lập vị thế quan trọng của PV GAS cũng như Petrovietnam trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng, xây dựng bước phát triển mới cho ngành khí Việt Nam.

Hiện thực hóa những khát vọng về một lộ trình “chuyển đổi xanh”, PV GAS/Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp tích cực nhất tham gia chương trình của Chính phủ, phù hợp với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Tổng Công ty Khí Việt Nam